CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI DỊP TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT TỴ 2025
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành Kế hoạch số 133/KH-BCĐ389 ngày 30/11/2024 về việc Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Để tăng cường kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước, ngày 30 tháng 11 năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán trực tuyến hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Kế hoạch yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động triển khai chỉ đạo tổ chức lực lượng, thiết bị, phương tiện, đề ra giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
- Nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương là:
+ Tham mưu Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
+ Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,... chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, vàng, quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống,… Phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng,… tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hoá,…
+ Chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác trao đổi thông tin, chủ động rà soát các sàn thương mại điện tử (đặt biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), website, ứng dụng mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok,…) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh trái phép.
- Nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo 389 các địa phương:
+ Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng chuẩn bị cung cấp đủ nguồn hàng hoá tiêu dùng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho Nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; chủ động chỉ đạo tăng cường lực lượng, thiết bị, phương tiện, biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá…, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
+ Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các cấp nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn nội địa nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả.
Chi tiết kế hoạch xem tại đây